Máu dây rốn hay còn gọi là máu cuống rốn hoặc máu bánh nhau, là máu chảy trong tuần hoàn của thai nhi. Chúng có chức năng cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Lượng máu cuống rốn được thu thập là phần máu còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Máu cuống rốn có chứa nhiều loại tế bào gốc, trong đó chủ yếu là tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic stem cells (HSCs). HSCs chịu trách nhiệm cho việc bổ sung máu và tái tạo hệ miễn dịch.
Trước đây, dây rốn và bánh nhau sau khi cắt rời khỏi em bé thì được xem như một loại rác thải y tế. Tuy nhiên ngày này, trước sự ra đời của nhiều phương pháp điều trị mới sử dụng tế bào gốc, máu cuống rốn sẽ được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ lại. Mục đích của việc lưu trữ tế bào gốc là phục vụ điều trị cho chính người sở hữu dây rốn đó hoặc các thành viên khác trong gia đình khi có vấn đề về sức khỏe.
Việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của trẻ giúp bảo đảm sức khỏe của chính trẻ trong tương lai hoặc các thành viên khác trong gia đình. Đây là nguồn “Tế bào gốc trẻ”, có khả năng phù hợp miễn dịch cao phục vụ cho:
Điều trị bệnh cho chính đứa trẻ đó trong cả cuộc đời.
Điều trị bệnh cho người nhà (anh chị em, bố mẹ, ông bà,...) và cho cộng đồng người khi có chỉ số sinh học phù hợp.
Tế bào gốc máu cuống rốn là phao cứu sinh để điều trị nhiều bệnh, dựa trên khả năng biến đổi độc nhất vô nhị của tế bào gốc máu cuống rốn thành các loại tế bào máu.
Hiện nay, tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư máu, thay thế tủy xương và sửa chữa các rối loạn do di truyền. Một số bệnh lý thường được chỉ định điều trị bằng ghép tế bào gốc máu cuống rốn như: Bạch cầu cấp dòng lympho, bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu mãn tính dòng tủy, hội chứng loạn sinh tủy, suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng, thiếu máu Fanconi, suy tủy nặng, lymphoma Non-Hodgkin, bệnh Thalassemia, suy tủy dòng hồng cầu, thiếu máu hồng cầu liềm.