Hoạt thạch là một loại khoáng chất tồn tại chủ yếu ở dạng đá. Hoạt thạch có chất óng ánh, thường có màu xám trắng, lam nhạt hoặc màu vàng với nhiều tác dụng điều trị bệnh khác nhau. Vậy tác dụng của bột hoạt thạch là gì?
Hoạt thạch còn có tên gọi khác là Phiên thạch, Nguyên hoạt thạch, Hoạt thạch phấn, Dịch thạch, Thủy thạch, Bột talc... với tên khoa học là Talcum. Đây là loại khoáng sản thiên nhiên được khai thác từ mỏ, sau đó đem đi rửa sạch, loại bỏ đất cát và tạp chất. Hoạt thạch trong các thành phần của một số dược phẩm còn gọi là bột talc, màu trắng mịn, không tan trong nước, khó bị acid phá hủy. Ngoài ra hoạt thạch còn có trong phấn xoa rôm, phấn bôi mặt, xà phòng đánh răng và thành phần bao viên thuốc.
Thành phần của hoạt thạch là magie silicat 3MgO.4SiO2.H2O. Tỷ lệ MgO trong thành phần 31,7%; SiO2 là 63,5%; nước là 4,8%; ngoài ra còn có thể lẫn FeO, và một ít A12O3. Tỷ trọng của hoạt thạch là 2,5-2,8.
Hoạt thạch phân bố ở nhiều quốc gia trên thế giới, ở nước ta trữ lượng hoạt thạch tương đối dồi dào, xuất hiện nhiều ở một số vùng núi.
Sau khi thu hoạch về, hoạt thạch được đem loại bỏ đất cát và tạp chất sau đó đập vỡ thành từng miếng, rồi nghiền thành bột mịn hoặc thủy phi thêm nước với tỷ lệ 1:1, nghiền ướt. Sau đó cho thêm nước, khuấy đều và để lắng, bỏ phần chất nổi và huyền phù ở trên, tiếp tục thực hiện vài lần, sau đó gạn lấy phần cặn đem đi sấy/ phơi khô ta được bột hoạt thạch dùng dần.
Trong Tây y tác dụng của bột hoạt thạch chỉ dùng làm thuốc bôi như phấn xoa rôm, làm cho da trơn mau khô, dùng để bao thuốc viên cho khỏi dính nhau, làm xà phòng đánh răng, phấn bôi mặt.
Đông y một phần tác dụng của bột hoạt thạch cũng dùng như Tây y. Vậy trong Đông y hoạt thạch trị bệnh gì?
Hoạt thạch hay được dùng làm thuốc uống chữa bệnh sốt, tả, lỵ, lợi tiểu, sốt khát nước, viêm ruột, lỵ, da vàng, tiểu tiện ra máu, viêm niệu đạo, có sỏi ở bàng quang, tiểu tiện đau buốt... Theo tài liệu cổ, hoạt thạch dược liệu có vị ngọt, tính hàn, không độc, vào 2 kinh vị và bàng quang. Những bệnh nhân âm hư không thấp nhiệt, tỳ hư hạ hãm, phụ nữ có thai không dùng được hoạt thạch dược liệu. Liều hoạt thạch mỗi ngày 10-15g, dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, nếu uống viên thì uống với liều 1-2g.
Có thể thấy hoạt thạch mang lại nhiều công dụng hữu ích đối với đời sống và sức khỏe con người. Tuy nhiên dược liệu hoạt thạch có thể gây hại nếu dùng liều lượng lớn hoặc sử dụng để điều trị dài hạn. Vì vậy bệnh nhân nên cân nhắc và tham vấn y khoa trước khi áp dụng bài thuốc có chứa hoạt thạch.